Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình

55 năm Thái Bình làm theo lời Bác

Thứ ba - 28/03/2017 21:18
Ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ và nhân dân Thái Bình lần thứ tư. Những lời huấn thị của Bác ngày ấy luôn là kim chỉ nam và là nguồn động viên đối với cán bộ và nhân dân Thái Bình trong quá trình hội nhập và phát triển hôm nay.

Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào tháng 3-1962. Ảnh tư liệu

Ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã về thăm Đảng bộ và nhân dân Thái Bình lần thứ tư. Thời gian ấy, miền Bắc bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội đồng thời làm hậu phương lớn để miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phong trào hợp tác hóa trong nông thôn căn bản hoàn thành nhưng nhìn chung chưa thật ổn định, phương hướng sản xuất chưa rõ ràng, cơ sở vật chất kinh tế - kỹ thuật còn nghèo nàn, thời tiết lại không thuận lợi nên năng suất lúa và hoa màu sút kém, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. 

Bác đã đến thăm xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, nơi đây vốn là bãi biển mới được quai đê ngăn nước mặn và bắt đầu khai phá đất hoang. Nói chuyện với nhân dân Nam Cường, Bác căn dặn: “Được biết đồng bào Nam Cường có nhiều thành tích trong khai hoang lấn biển, Bác cùng các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương thay mặt Đảng, Chính phủ về thăm đồng bào Nam Cường, Bác khen ngợi đồng bào đã có tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm quai đê lấn biển, mở rộng diện tích canh tác…”; “Mọi việc khi mới bắt đầu làm đều khó, phải có quyết tâm thật lớn, vượt mọi khó khăn thì mới đạt được những điều mong muốn. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, các cháu thanh niên phải gương mẫu đi đầu trong mọi việc khó, xã viên phải đoàn kết tốt với cán bộ thì mọi việc sẽ thành”. “Muốn ăn cam thì phải trồng cam, đồng bào đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất thì mới nhanh chóng ổn định đời sống sản xuất”. Đến với từng nhà, gặp các cụ già, các em nhỏ, Bác cảm thông, thân thương, chia sẻ, ân cần động viên nhân dân: “Đồng bào đi khai hoang gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết giống như dây chão được xe bằng nhiều sợi nhỏ, dây lớn không thể đứt được…”. 

Nói chuyện với cán bộ và nhân dân tại hội nghị phát động phong trào sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, Bác khen ngợi: “So với ba năm rưỡi trước đây (từ tháng 10/1958), Bác về thăm Thái Bình lần trước thì năm nay tỉnh nhà có nhiều tiến bộ về nhiều mặt như tăng vụ, vỡ hoang, thủy lợi, phân bón... Đó là do sự cố gắng của đồng bào, cán bộ. Đó là điều đáng khen”. Bác căn dặn: “…Thái Bình là một trong những tỉnh nhiều người nhất. Nhân dân sẵn có truyền thống anh dũng và cần cù. Đất đai tốt. Thủy lợi tiện. Lương thực nhiều. Nông nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh… Trung ương giao trách nhiệm cho mỗi đồng chí đảng viên và đoàn viên phải nâng cao tinh thần cách mạng, phấn đấu vươn lên, phải chống tư tưởng bảo thủ và chủ quan, chống tác phong quan liêu và đại khái, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân; phải làm gương mẫu, làm đầu tàu cho đồng bào trong phong trào thi đua yêu nước tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh và nâng cao đời sống của nhân dân. Phải ra sức củng cố và phát triển tốt chi bộ và phân đoàn… Thái Bình phải cố gắng trở thành một tỉnh gương mẫu về mỹ tục thuần phong… Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở nên một trong những tỉnh khá nhất, để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho công cuộc thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”. 

Những lời động viên, khen ngợi và phê bình kịp thời của Bác có ý nghĩa thật lớn lao, có sức lan tỏa mạnh mẽ, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân đưa hợp tác xã lên quy mô lớn, giáo dục ý thức làm chủ cho xã viên, xác định phương hướng sản xuất hợp tác xã và đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật. Trên đồng ruộng, phong trào thâm canh tăng năng suất cây trồng được đẩy mạnh. Tỉnh còn làm tốt công tác chuyển dân đi khai hoang vùng ven biển và xây dựng khu kinh tế mới. Trong phong trào sản xuất đã xuất hiện những lá cờ đầu về chăn nuôi như hợp tác xã Tân Phong, Thị Độc, Trực Trầm... Cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), trên đồng ruộng Thái Bình đã xuất hiện trạm bơm điện, bơm dầu, máy kéo và nhiều công cụ cải tiến thay thế dần công cụ thô sơ. Lần đầu tiên trong lịch sử người nông dân Thái Bình đã bước đầu dùng máy móc và sức điện vào công việc đồng áng. 

Trước hai nhiệm vụ cấp bách, chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ Thái Bình đã đề ra nhiệm vụ xây dựng tỉnh giàu có về kinh tế, vững mạnh về chính trị và mạnh mẽ về quốc phòng. Trên quê hương ngày đêm bị bom Mỹ bắn phá, nhân dân Thái Bình vẫn “vững tay cày, chắc tay súng”, vừa sản xuất giỏi vừa chiến đấu giỏi; kiên cường, bất khuất bám đồng ruộng, nhà máy, công trường, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. Thái Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc đạt bình quân 5 tấn thóc/ha năm 1966, đạt 6 tấn/ha năm 1972 và đạt 7 tấn/ha năm 1974… Nhiều hợp tác xã đạt 7 tấn, 8 tấn/ha; hợp tác xã Tân Phong đạt 9 tấn/ha. Nhiều lá cờ đầu trong chăn nuôi lợn tập thể xuất hiện như Đông Phong, Vũ Thắng, Thụy Chính... Trong công tác khai hoang lấn biển, chỉ tính từ năm 1960 đến năm 1980, huyện Tiền Hải đã đắp được 29km đê, lấn biển được 2.000ha đất, xây dựng khu kinh tế mới vùng biển với hơn 2.000 hộ dân, lập 3 xã mới: Nam Cường (1960), Nam Hưng (1972), Đông Hải (1980). 

Những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã xác định hướng đi đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tiễn của địa phương. Xuất phát từ tiềm năng, lợi thế, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng kinh tế nông nghiệp. Với chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (điện, đường, trường, trạm, nước sạch và điện thoại), diện mạo nông thôn Thái Bình có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Trong mọi thời kỳ, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho công tác thủy lợi. Việc quy hoạch, xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê điều và hệ thống các công trình thủy lợi đã đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ tỉnh đã xác định 8 nhiệm vụ và 5 trọng tâm cần tập trung để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế như: Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 10/9/2001 “về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi”; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 2/8/2004 “về đẩy mạnh chăn nuôi”; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 20/3/2002 “về dồn điền đổi thửa”; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 17/7/2001 “về kinh tế biển”; Nghị quyết số 08-NQ/ TU, ngày 10/4/2003 về “xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha”; đặc biệt, Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/4/2011 về “xây dựng nông thôn mới Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”... 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, bằng đường lối phát triển đúng đắn và nỗ lực phấn đấu không ngừng, trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Thái Bình đã có những bước tiến đáng kể, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Năm 2016, tổng sản phẩm GRDP tăng 10,28%, là năm đầu tiên trong vòng 6 năm qua tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số, cao hơn mức bình quân của cả nước và cao hơn nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thái Bình vẫn xác định ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp. Khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh đồng bằng ven biển và truyền thống thâm canh. Cơ cấu mùa vụ và giống cây trồng, vật nuôi có chuyển biến tích cực; năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng lên rõ rệt; trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mức độ cơ giới hóa được nâng lên. Sản xuất cây màu, cây vụ đông được mở rộng; chăn nuôi trang trại phát triển mạnh, từng bước gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đã quy hoạch và xây dựng nhiều vùng cây màu, lúa chất lượng cao. Toàn tỉnh có 270 cánh đồng lớn với diện tích 12.000ha cùng nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Năng suất lúa và năng suất các loại cây trồng đều đạt ở mức cao. Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng được tăng cường. Thái Bình trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và cũng là tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phát huy dân chủ, huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 2/2017, toàn tỉnh có 168 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, phường, thị trấn có nước sạch phục vụ nhân dân. Trong 5 năm (2010 - 2015) hoàn thành xây dựng, nâng cấp 66km đê biển, trong đó có 50km đê trực diện với biển, 5km kè lấn biển Đông Minh - Nam Thịnh (Tiền Hải); khởi công xây dựng khu du lịch cồn Vành; đầu tư trồng mới trên 500ha, nâng tổng diện tích rừng phòng hộ lên 5.706ha, góp phần quan trọng bảo vệ sản xuất, môi trường sinh thái và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc và niềm tự hào về mảnh đất cách mạng, thực hiện lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Trong thời gian tới, nhằm phát triển kinh tế, tỉnh chủ trương tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phương pháp quản lý tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Từng bước xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch. Để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền đổi thửa ở toàn bộ các xã, thị trấn, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, phân tán trên các thửa ruộng của mỗi gia đình. Là tỉnh có đường bờ biển dài hơn 50km, khâu đột phá chiến lược được tỉnh xác định là phát triển kinh tế khu vực ven biển thành trọng điểm kinh tế, khai thác mạnh tiềm năng kinh tế biển. Thái Bình đã và đang triển khai quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, đô thị, xây dựng khu du lịch sinh thái; đầu tư trồng mới và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Tập trung thu hút các ngành công nghiệp sử dụng khí mỏ có giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh đánh bắt hải sản xa bờ; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển, kinh doanh dịch vụ cảng biển. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững. 

* *

Nhìn lại chặng đường 55 năm, những thành tựu Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đạt được là vô cùng to lớn và rất đáng tự hào. Với đường lối đúng đắn và sáng suốt của Đảng, những lời huấn thị của Bác làm kim chỉ nam, đạo đức của Bác làm mẫu mực để noi theo, mãi mãi là nguồn động viên đối với cán bộ và nhân dân Thái Bình trong quá trình hội nhập và phát triển.

Nguyễn Hồng Chuyên
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây