Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình

Đổi thay An Thái

Thứ hai - 03/03/2014 01:55
Xã An Thái được thành lập vào năm 1956 từ xã Mỹ Xá cũ thuộc huyện Phụ Dực, nay là huyện Quỳnh Phụ. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, ghi nhiều dấu ấn lịch sử với Vương triều Trần. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân An Thái luôn chung sức, đồng lòng, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có kết hợp tranh thủ mọi nguồn lực góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Cơ sở May xuất khẩu Thái Hà, xã An Thái (Quỳnh Phụ) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Ngọc Trâm

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Quang Vương, Chủ tịch UBND xã An Thái cho biết: Sản xuất nông nghiệp ở An Thái những năm gần đây có sự thay đổi mạnh mẽ trên các phương diện. Người dân cơ bản loại bỏ giống lúa dài ngày, đưa vào gieo cấy 100% diện tích bằng các giống ngắn ngày, trong đó nhóm giống chất lượng cao chiếm trên 30% diện tích, còn lại là lúa lai và lúa thuần năng suất cao. Hàng năm, toàn xã gieo trồng khoảng 110ha cây vụ đông các loại, gồm ớt, ngô, khoai tây, rau màu. Trong đó cây ớt chiếm khoảng 1/3 diện tích vụ đông và trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, An Thái chọn hai hướng đột phá phát triển: Tận dụng vùng đồng bãi ven đê để phát triển chăn nuôi đại gia súc và quy hoạch chuyển đổi vùng đất thấp trũng cấy lúa kém hiệu quả để nuôi thả thủy sản. Đến nay, toàn xã đã chuyển được 7ha sang đào ao nuôi thả thủy sản, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả, bước đầu cho hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với cấy lúa. Cơ cấu đàn được điều chỉnh theo hướng lấy hiệu quả kinh tế làm đầu, lấy nhu cầu thị trường làm định hướng với 250 con trâu bò, gần 5.000 con lợn thịt và gần 15.000 con gia cầm các loại. Tỷ trọng chăn nuôi vươn lên chiếm 31,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ nông nghiệp, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ thời gian qua cũng có bước phát triển khá toàn diện. Toàn xã hiện có 56 nhóm nghề khác nhau như: mộc, cơ khí, chế biến gạo, móc sợi, mây tre đan... Các nghề này đang giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động. Đặc biệt, trên địa bàn xã đã hình thành được 2 cơ sở may gia công tại thôn A Sào và Thái Thuần thu hút hơn 100 lao động địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền chọn cho mình lối đi phù hợp: Quyết tâm nhưng không nóng vội; có lộ trình cụ thể rõ ràng; lấy nội lực là chính, coi người dân là chủ thể; bám sát thực tế địa phương để đưa ra giải pháp; xây dựng NTM phải ổn định tình hình, phát huy dân chủ. Nhờ vậy đến nay An Thái đã hoàn thành 10/19 tiêu chí. Sau hơn 3 năm phát động, người dân nơi đây đã hiến hơn 57.000m2 đất phục vụ xây dựng thủy lợi nội đồng và mở rộng đường giao thông nông thôn; huy động vốn xã hội hóa hơn 300 triệu đồng xây dựng công trình trường học; kêu gọi con em xa quê tự nguyện ủng hộ 600 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi công cộng...

Vẫn theo lời ông Lương Quang Vương, Chủ tịch UBND xã, về lâu dài thế mạnh của An Thái chính là thương mại - dịch vụ, đặc biệt từ Dự án đầu tư xây dựng Khu di tích đền A Sào. Hiện tại, các tuyến đường dẫn vào khu di tích đang tích cực triển khai xây dựng mở rộng. Khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc giao thông đi lại, giúp du khách thập phương đến chiêm bái và hành lễ tại di tích đền A Sào, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển thương mại - dịch vụ, nhất là khu vực xung quanh đền. Tới đây, xã sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của huyện để hoàn thành quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng khu thương mại - dịch vụ gần di tích lịch sử đền A Sào nhằm tạo mặt bằng cho các tư thương đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ vừa phục vụ lễ hội, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.


Nguồn tin: Báo Thái Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây