Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình

Ước mơ của “ông trùm” thóc

Thứ hai - 27/02/2023 20:31
Đi lên từ một người hàng xáo, anh Nguyễn Văn Luân, thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) đã mua sắm được máy sấy thóc, xay xát gạo, ô tô chở hàng, xe nâng hàng, trở thành Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên.

uoc mo cua ong trum thoc 08512120022023
Sinh năm 1988, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Luân có thời gian làm công nhân cơ khí tại một công ty đóng tàu ở Quảng Ninh. Xa nhà, công việc không ổn định đã thôi thúc chàng trai trẻ về quê lập nghiệp vào năm 2010. 5 năm rong ruổi thu mua thóc của nông dân khắp các làng quê, anh nhận thấy diện tích ruộng bị bỏ hoang nhiều, số hộ cấy lúa ít. Trong khi đó, nếu có cấy thì diện tích mặt bằng để phơi thóc còn hạn chế do sân kho của các hợp tác xã không còn, sân nhà văn hóa, sân các hộ gia đình rất chật. Bởi thế, thóc tươi được đổ ra đường làng, đường xã, đường huyện, quốc lộ để phơi. Sức nóng trên trời rọi xuống, sức nóng dưới mặt bê tông, nhựa đường bốc lên khiến hạt thóc dễ bị gãy vụn, bạc bụng. Hơn thế, phơi thóc trực tiếp trên đường còn dễ lẫn sỏi đá, tạp vật làm phẩm cấp của nông sản đi xuống. Bên cạnh đó, mỗi khi vào mùa thu hoạch rơi đúng đợt mưa bão, người dân gặp nhiều khó khăn trong khâu phơi thóc.

Chính những lý do trên đã khiến anh Luân thêm quyết tâm với lựa chọn của mình là đầu tư giàn sấy thóc. Với 150 triệu đồng vay mượn và ít vốn tự có, năm 2015 anh thuê mặt bằng, xây nhà xưởng, mua giàn sấy thóc đầu tiên đặt tại xã An Đồng. Đến năm 2018, anh đầu tư 15 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên, đặt tại thôn Ngọc Chi, xã Quỳnh Bảo. 
Bà Đặng Thị Luyên, mẹ của Luân cho biết: Khi Luân khởi nghiệp, gia đình tôi cũng e ngại vì Luân trẻ tuổi, kinh nghiệm ít, tài chính cũng eo hẹp. Thế nhưng, Luân quyết tâm làm thì bậc làm cha mẹ cũng động viên con cố gắng.

Luân cho biết: Ngoài vốn, kinh nghiệm, thì các mối quan hệ, quản trị tôi cũng còn hạn chế. Tại thời điểm tôi khởi nghiệp, rất ít mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu thóc tươi cho nông dân. Đây là khó khăn cũng là cơ hội để cho doanh nghiệp của tôi phát triển. Khó khăn đủ đường nhưng đã làm rồi thì tôi phải quyết tâm theo đuổi đến cùng, bởi đây là tâm huyết của bản thân, niềm tin của gia đình, người thân, bạn bè.

Từng bước vượt qua khó khăn, đến nay Công ty của Luân có 4 giàn máy sấy thóc với công suất 100 tấn/ngày, máy xay xát gạo với công suất 30 tấn/ngày. Các loại máy khi mua về lắp đặt trong Công ty anh cải tiến để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện anh liên kết với 10 hợp tác xã, hơn 300 chủ hộ với diện tích cấy lúa khoảng 1.000ha; bán thóc, gạo cho hơn 1.000 công ty, đại lý, doanh thu mỗi năm từ 50 - 60 tỷ đồng. Bao nhiêu lợi nhuận anh tái đầu tư với mong muốn các hợp tác xã, bà con nông dân yên tâm về khâu phơi, tiêu thụ thóc, gạo. Không chỉ thành công trong liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo, tăng thu nhập cho gia đình, mô hình kinh tế của anh Luân đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Luân nhận định: Sấy tự động trở thành khâu áp chót của một dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa gồm làm đất, mạ khay máy cấy, thu sấy rồi chế biến thành hàng hóa. Có sấy tự động sẽ không còn lo mặt bằng cho phơi, sẽ giúp gia tăng giá trị nông sản, đồng thời giải quyết được một phần của vấn đề bỏ ruộng, bởi khi đất đai đã được tập trung, các khâu khác đã được cơ giới hóa thì khâu sấy sẽ hoàn thành nốt vai trò của mình là làm gia tăng chất lượng gạo cũng như giá bán cuối cùng. Khi có điều kiện, tôi sẽ đầu tư mở rộng liên kết, quy mô giàn sấy thóc, máy xay xát gạo.

Xuân Phương - Báo Thái Bình

 Tags: Lập nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây