Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình

Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016)

Thứ hai - 19/12/2016 22:36
Vang mãi lời hịch non sông Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta kiên định con đường cách mạng đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tiểu đoàn Nguyễn Văn Tố diễu hành ở Sài Gòn trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1945. Ảnh tư liệu

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ nước ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn, đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Bên trong là "giặc đói", "giặc dốt", giặc nội phản hoành hành, bên ngoài là giặc ngoại xâm liên tục tấn công. Từ vĩ tuyến 16 trở ra là 20 vạn quân Tưởng, từ vĩ tuyến 16 trở vào có hơn 1 vạn quân Anh và hơn 6 vạn quân Nhật cùng nhiều đảng phái phản động lăm le lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lập lại chính quyền tay sai và cướp nước ta lần nữa.

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai rồi mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội. Trước tình hình đó, cùng với việc củng cố chính quyền, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm các biện pháp đấu tranh mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Để tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cách mạng, tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù, khi thì chúng ta tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng để rảnh tay đối phó với quân Pháp, khi thì tạm thời hòa hoãn với quân Pháp để đuổi quân Tưởng và bọn tay sai ra khỏi bờ cõi.

Chúng ta đã chủ động đàm phán với Pháp để tránh cuộc chiến tranh, giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc rồi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, sau đó ký Tạm ước ngày 14/9/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư tới nguyên thủ các nước Anh, Mỹ, Liên Xô và các nước thành viên của Liên hợp quốc, nêu rõ thiện chí hòa bình, mong mỏi Liên hợp quốc chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam để duy trì hòa bình. Người liên tục gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và cử phái viên đến gặp người đứng đầu phía Pháp ở Đông Dương, tìm cách cứu vãn hòa bình, tránh cuộc chiến tranh đổ máu. Nhưng giới cầm quyền thực dân đã khước từ mọi nỗ lực cứu vãn hòa bình của chúng ta.

Bất chấp những thiện chí hòa bình của Việt Nam, trong hai ngày 15 - 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn ở nhiều nơi ở Hà Nội. Ngày 17/12/1946, chúng cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc rồi gây ra vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh. Ngày 18/12/1946, tướng Mô-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, đòi để cho chúng làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội. Chúng tuyên bố nếu những yêu cầu đó không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động, chậm nhất là sáng ngày 20/12/1946.

Trước tình thế đó, ngày 18 và 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đề ra đường lối, quyết định cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chiều ngày 19/12/1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày, giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc. 20 giờ ngày 19/12/1946, tín hiệu bắt đầu kháng chiến toàn quốc được phát ra, quân và dân Thủ đô nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi khắp cả nước.

Đáp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước với ý chí "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu là cuộc chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Cùng với quân và dân Thủ đô, quân và dân các địa phương trong cả nước đã chiến đấu ngoan cường, giam chân địch. Đường lối kháng chiến của Đảng ta xác định ngay từ đầu là chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, đoàn kết chung lòng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 22/12/1946 tại làng Hội Châu, Đông Quan (nay là xã Đông Phong, huyện Đông Hưng), ra Nghị quyết "Chuyển hướng mọi hoạt động của cơ quan, ngành giới trong tỉnh từ thời bình sang thời chiến, phát động nhân dân chuẩn bị kháng chiến". Quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Thái Bình sôi nổi hưởng ứng phong trào diệt "giặc đói", "giặc dốt", giặc ngoại xâm. Toàn dân thi đua lao động sản xuất, tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, thi đua Nam tiến, luyện tập quân sự, vào du kích, quân đội với tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không trở lại làm nô lệ một lần nữa". Mỗi người một vũ khí trong tay, xây dựng làng kháng chiến, tiêu thổ kháng chiến. Chỉ trong vòng hơn 4 năm chuẩn bị kháng chiến, từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1949, lực lượng vũ trang trong tỉnh có 180.198 cán bộ, chiến sĩ trong đó có 34.000 đội viên du kích. Thái Bình trở thành tỉnh có tỷ lệ người tham gia lực lượng vũ trang cao nhất so với dân số Liên khu Ba (xấp xỉ 1/5 dân số). Toàn tỉnh đã xây dựng hơn 400 làng kháng chiến. Nhiều làng kháng chiến, khu căn cứ du kích ở khu Thần Đầu - Thần Huống (Thái Ninh cũ, Thái Thụy nay), Nguyên Xá (Tiên Hưng cũ, Đông Hưng nay), Đồng Tiến (Phụ Dực cũ, Quỳnh Phụ nay), Duy Nhất, Tân Hợp, Quang Thẩm (Vũ Tiên cũ, Vũ Thư nay) đã trở thành "thiên la địa võng" khiến cho giặc Pháp khiếp sợ, kinh hoàng. Cụ Đỗ Văn Hùng ở thôn Đoài Thịnh, xã Thái Thịnh (Thái Thụy) cho biết: Thái Thịnh vốn là khu căn cứ cách mạng Thần Huống xưa. Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, bao năm người dân nơi đây phải sống trong cảnh lầm than, đói khổ cùng cực nên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công tất cả mọi người đều đồng lòng quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ban ngày bà con thi đua lao động sản xuất lấy lương thực cứu đói, ban đêm tham gia lớp bình dân học vụ xóa mù chữ. Khi thực dân Pháp quay trở lại chiếm đóng Thái Bình, thanh niên nô nức đăng ký tòng quân, vào du kích bám dân đánh giặc. Người dân trong làng bán cả ruộng họ, phe giáp lấy tiền mua sắm vũ khí cho dân quân, du kích, lập hũ gạo nuôi quân, hũ gạo kháng chiến cung cấp cho bộ đội, góp tre nứa, ngày đêm vót chông, đào hào, rào làng kháng chiến, quyết tâm đánh giặc giải phóng quê hương. Đến giờ, cụ Đỗ Trọng Thưởng ở thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) vẫn nhớ như in khí thế những ngày sau khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cụ kể: Khắp trong làng ngoài xã dấy lên phong trào nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Mặc dù Hiệp Hòa nằm giữa bốn bên là bốt giặc, là tề, ngụy ác ngày đêm chúng càn quét, nã pháo bắn phá các xóm thôn nhưng Đảng bộ và nhân dân nơi đây vẫn kiên cường, không nao núng, không chịu lùi bước, ngày đêm chống càn, diệt giặc.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Bình đã huy động toàn dân đánh giặc: "Mỗi người dân đều là chiến sĩ", "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", tạo nên sức mạnh phi thường đánh thắng kẻ thù, giải phóng quê hương. Với tinh thần lao động quên mình: "Tất cả cho kháng chiến", "Tất cả để chiến thắng", trong những năm tháng cầm súng đánh giặc ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã thực hiện thắng lợi đường lối phát triển kinh tế bảo đảm lương thực, chi viện cho chiến trường, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 70 năm ngày toàn quốc kháng chiến cũng là dịp để Đảng bộ và nhân dân Thái Bình ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, chung sức chung lòng xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  Hỡi đồng bào toàn quốc!
  Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.
  Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
  Hỡi đồng bào!
  Chúng ta phải đứng lên!
  Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
  Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
  Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
  Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
  Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
  Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

 

Ông Nguyễn Văn Nghệ, 92 tuổi đời, 68 năm tuổi đảng, tổ 35, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình)

Năm 1946, khi đó tôi đang tham gia lực lượng cảnh vệ của huyện Duyên Hà. Tôi còn nhớ ngày 19/12/1946 cách đây tròn 70 năm, khí thế ở các địa phương rất rầm rộ hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thanh niên các địa phương đều hăng hái lên đường nhập ngũ, xung phong đi đánh giặc. Ở Thái Bình, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, nhân dân toàn tỉnh luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1947, bộ đội địa phương tỉnh được thành lập, tôi được điều về Văn phòng Huyện đội Duyên Hà, trực tiếp tham gia công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng chi viện cho chiến trường. Tuy nhiên, từ sau khi giành chính quyền năm 1945 đến cuối năm 1949, Thái Bình vẫn là vùng tự do nên trở thành hậu phương của các tỉnh miền Bắc. Ở Duyên Hà, phong trào tiêu thổ kháng chiến diễn ra mạnh mẽ, nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Các địa phương vừa thi đua lao động sản xuất vừa xây dựng hệ thống công sự, hầm hào, trận địa, xây dựng lực lượng dân quân lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi địch đánh chiếm. 70 năm đã trôi qua nhưng lời hiệu triệu của Bác năm nào vẫn còn vọng vang, thể hiện ý chí quyết tâm của các thế hệ người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lê Tản, cán bộ tiền khởi nghĩa, thôn Bắc Sơn, xã Quang Bình (Kiến Xương)

Sau nạn đói năm 1945, đời sống của nhân dân ta rất khó khăn nên lòng căm thù giặc rất sâu sắc, tinh thần quyết tâm chiến đấu càng cao khi nghe lời Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lúc đó, tôi là Phó Trưởng phòng Thông tin huyện Vũ Tiên. Hàng ngày, chúng tôi cập nhật thông tin qua Báo Cứu quốc và tài liệu của trung ương, của tỉnh rồi biên tập lại, tổ chức in thành tài liệu riêng để phát cho các xã, các thôn trong huyện. Anh em thông tin ở thôn dùng loa tôn cuộn và trèo lên nóc đình, gác chuông chùa hoặc ngọn cây cao nhất trong làng để đọc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân. Nông dân thì thi đua diệt giặc đói với phong trào "tấc đất, tấc vàng", không bỏ ruộng hoang. Thanh niên thì hăng hái đăng ký tình nguyện vào bộ đội tham gia chiến đấu giết giặc lập công. Lực lượng dân quân, du kích địa phương thì tranh thủ ngày đêm luyện tập võ nghệ với giáo, mác, gậy gộc và làm quen với những khẩu súng tiểu liên, trung liên hay bazoka; kết hợp với nhân dân tổ chức phá đường ngăn không cho quân Pháp đưa xe tăng hoặc kéo pháo vào. Để giúp bộ đội và dân quân, du kích chiến đấu, các tầng lớp nhân dân rất hăng hái tham gia phong trào "Hũ gạo kháng chiến", "Mùa đông binh sĩ", góp gạo, quần áo ấm, vải vóc cho bộ đội.

Ông Phạm Mạnh Ðảng, lão thành cách mạng, thôn Thanh Trai, xã Minh Lãng (Vũ Thư)

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, người dân Minh Lãng đã hết đói nhờ có ngô, khoai, sắn ăn độn với cơm nhưng có tới hơn 95% người dân mù chữ, vì vậy phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ được bà con hào hứng tham gia. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, già, trẻ, gái, trai đêm thì đi học xóa mù chữ, ngày thì lao động, chiến đấu. Ngay trong thời điểm khó khăn ấy, bà con vẫn đoàn kết giúp đỡ đồng bào từ Hà Nội, Hải Phòng về tản cư. Đến đầu năm 1947, thực dân Pháp mới đánh vào Thái Bình, chúng dùng tàu chiến từ sông Hồng bắn pháo lên, từ các đồn, bốt bên Nam Định bắn sang khu vực huyện Vũ Tiên, Thư Trì (nay là Vũ Thư). Minh Lãng cũng là điểm chúng bắn phá rất ác liệt hòng mở đường tiến sang chiếm đóng Thái Bình. Đêm đêm, lực lượng dân quân, du kích đi đào hố cắt đường 223 và một số con đường lớn để ngăn chặn địch đưa xe cơ giới vào; tổ chức đào hầm trú ẩn, hào, hố công sự và đắp ụ chiến đấu khắp các tuyến đường huyết mạch. Nhân dân và dân quân, du kích thực hiện phương châm rào làng kháng chiến: tập trung trồng tre, rào ngõ, đóng cổng, đào hố đặt chông xung quanh làng, sẵn sàng đánh địch. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tuy thiếu thốn về vũ khí và kinh nghiệm nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, nhân dân, dân quân, du kích, bộ đội đã không ngừng trưởng thành, chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều chiến công vang dội.

 
Theo: Baothaibinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây