Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình Huyện Đoàn Quỳnh Phụ - Thái Bình

Tháng năm nhớ Bác

Thứ hai - 19/05/2014 10:43
5 lần Bác về thăm quê lúa đều để lại muôn vàn tình thương của quân và dân Thái Bình với Bác. Những lời căn dặn của Bác vẫn luôn được lớp lớp thế hệ người dân Thái Bình khắc ghi và còn nguyên giá trị muôn đời.
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch năm 1957

Nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014), chúng tôi đã có một hành trình đầy ý nghĩa, trong niềm xúc động được trò chuyện cùng các nhân chứng trực tiếp gặp Bác trong những lần Người về thăm Thái Bình.

Trong ký ức của ông Trần Hữu Hãn, 87 tuổi, thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà, nguyên là cán bộ giao thông công chính xã Hồng An ngày đó vẫn chưa quên trận lũ lịch sử năm 1945 làm vỡ đoạn đê tả ngạn sông Hồng tại thôn Đìa, xã Hồng An làm 8 huyện, thị chìm trong biển nước. Biết tin quân và dân tỉnh Thái Bình phải gồng mình chống lũ dữ, hàn khẩu đoạn đê vỡ, ngày 10/1/1946, Bác Hồ cùng phái đoàn Chính phủ về thăm, động viên bà con nhân dân huyện Hưng Nhân dồn sức đắp đê ngăn lũ.

Ông Trần Hữu Hãn nhớ lại: “Lần thứ nhất Bác về thăm là khi đoạn đê vừa bị vỡ. Hôm đó Bác cùng phái đoàn Trung ương đi theo đường quốc lộ 39A qua Hưng Yên, khi đoàn xe đến đê, cách khu vực bị vỡ chừng vài trăm mét thì Bác xuống xe đi bộ đến khu vực nhân dân đang đắp đê để thị sát. Tại đây Bác đã căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương nỗ lực cùng nhau hàn khẩu lại đoạn đê để ổn định đời sống của nhân dân”.

Ngày 28/4/1946, nhân dân huyện Hưng Nhân lại vui mừng đón Bác về dự khánh thành đoạn đê mới được khắc phục và nói chuyện với đồng bào. Bác khen ngợi Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nhân đã giữ đúng lời hứa với Bác, sau hơn 3 tháng thực hiện đắp đê ngăn lũ. Tại buổi khánh thành, Bác căn dặn cán bộ và nhân dân huyện Hưng Nhân ba vấn đề lớn phải làm lúc này là: Ra sức diệt giặc đói, diệt giặc dốt, chống ngoại xâm. Bác còn dặn dò thêm, hàng năm khi nước sông lên thì nhân dân phải chú ý để bảo vệ đê điều cho tốt.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Hữu Thảo, sinh năm 1930, nguyên Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy nhớ lại: “Ngày Bác về thăm huyện Hưng Nhân, tôi mới 16 tuổi. Nghe tin Bác về, nhân dân đến rất đông. Hôm đó Bác đi cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng. Để được nhìn thấy Bác, tôi đã cố gắng len vào đám đông. Bác nói ngắn gọn và rất ý nghĩa, không thiếu một ý nào. Đại ý: Bây giờ vỡ đê, bà con cùng đoàn kết lại, cố gắng để khôi phục kinh tế. Nhân dân và chính quyền địa phương phải làm hết sức mình để nâng cao đời sống của dân”. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nhân xưa, Hưng Hà ngày nay luôn phấn đấu hết mình, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ngày 26/10/1958, Bác về nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình tại sân vận động thị xã. Đảng bộ và nhân dân vui mừng báo công với Bác trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Ngày 26/3/1962, Bác về thăm Thái Bình lần thứ 4. Người đã về thăm bà con xã viên hợp tác xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, là xã nổi bật trong phong trào lấn biển, ngăn mặn. Tại đây, Người nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh, Người ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà cán bộ và nhân dân trong tỉnh nhà, Người trao 4 huy hiệu cho cán bộ, xã viên có thành tích cao và mong muốn Thái Bình trở thành tỉnh nông nghiệp kiểu mẫu.

Sau khi nói chuyện với đồng bào, Bác đến thăm Hội nghị phát động phong trào sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải. Tại đây, Bác tặng 14 huy hiệu thi đua lao động sản xuất giỏi cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Bác tới thăm một số gia đình xã viên tiêu biểu, thăm đơn vị bộ đội đóng chân trên địa bàn.

Bác Hồ về thăm nhân dân xã Nam Cường (Tiền Hải) tháng 3 năm 1962.

Nhắc đến đêm cuối năm 1966 tại thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa (Thư Trì) nay là thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư nơi Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình lần thứ 5, mừng tỉnh đạt 5 tấn/ha và cũng là lần cuối cùng, ông Đỗ Như Thơ, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Hòa lúc đó vẫn bồi hồi xúc động. Ông Thơ kể lại: “Nhận được tin Bác về thăm bà con nhân dân Thái Bình, anh em chúng tôi được sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đón Bác tại Bến phà đò Cống. Tối ngày 31/12/1966, Bác cùng đồng chí Tố Hữu, Vũ Kỳ về tới sân đình Đại Đồng. Tôi được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đặc trách cùng với các đồng chí cảnh vệ canh giấc ngủ của Bác tối hôm đó”.

Cuộc trò chuyện càng thú vị và cuốn hút bởi từng chi tiết về lần gặp Bác đều vẹn nguyên trong trí nhớ của ông. Đối với ông Thơ, kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là bữa cơm của Bác với lãnh đạo Tỉnh ủy Thái Bình. Ông Thơ nghẹn ngào nhớ lại: “Tối hôm đó, sau khi Bác hỏi han tình hình chung của tỉnh, đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND tỉnh mời Bác dùng cơm. Niêu cơm được nấu từ loại gạo tám xoan dẻo thơm, ngon nhất của tỉnh Thái Bình có từ thời xa xưa. Bác nói các chú cứ ăn tự nhiên, rồi Bác lấy cặp lồng cơm mang theo từ Hà Nội ra dùng. Mọi người nén lòng, cảm phục Bác. Cả cuộc đời Bác dành trọn cho dân tộc, cho sự nghiệp cách mạng mà không lấy của dân cái kim, sợi chỉ”.

Chúng tôi tìm về gia đình ông Đặng Đức Ảnh, 89 tuổi, thôn An Để, xã Hiệp Hòa, vị lão thành cách mạng vinh dự 3 lần được gặp Bác. Trong căn nhà cấp 4 của gia đình chính là nơi Chi bộ đầu tiên của xã Hiệp Hòa được thành lập ngày 2/9/1947, ông Đặng Đức Ảnh tâm sự: “Lần đầu tiên tôi được gặp Bác là năm 1962, khi Bác về thăm hai xã Nam Cường và Đông Lâm. Trước đó, năm 1958, tại hội nghị rút kinh nghiệm về hợp tác xã cao cấp và cải tiến kỹ thuật tổ chức tại Hà Nội, xã Hiệp Hòa là một trong 33 xã khu Tả ngạn sông Hồng đi dự hội nghị, tôi là đại biểu của xã đi dự, lần ấy tôi được gặp Bác Hồ. Lần thứ ba gặp Bác chính tại ngôi đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa vào ngày 1/1/1967, Bác nói chuyện với quân và dân Thái Bình”.

Lúc đó, Hợp tác xã Hiệp Hòa là một hợp tác xã kiểu mẫu với phong trào cày trâu đôi, căng dây thẳng hàng, cải tiến giống lúa mới, cải tiến bừa cỏ Nghệ An… Khi nói chuyện với nhân dân, Bác có dặn: Các cô, các chú xây dựng hợp tác xã để nâng cao đời sống của nhân dân, không phải là tổ chức để mà tổ chức. “Ý Bác muốn nói đã làm là phải làm thực chất, hiệu quả chứ không được hình thức”, ông Ảnh diễn giải thêm. Đối với ông, mỗi lần gặp Bác là một lần ông giữ lại những kỷ niệm đẹp nhất, chòm râu, ánh mắt và nụ cười của Bác không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của mình.

5 lần Bác về thăm quê lúa đều để lại muôn vàn tình thương của quân và dân Thái Bình với Bác. Những lời căn dặn của Bác vẫn luôn được lớp lớp thế hệ người dân Thái Bình khắc ghi và còn nguyên giá trị muôn đời.

 

Nguồn tin: Báo Thái Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây