Sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn. |
Qua 10 năm tổ chức, giải thưởng Lương Ðịnh Của đã tôn vinh 1.650 thanh niên nông thôn tiêu biểu, luôn tâm huyết, tràn đầy ý chí, nghị lực, khát vọng vượt khó vươn lên lập thân, lập nghiệp tại quê hương.
Năm nay, giải thưởng trao cho 85 gương thanh niên, trong số đó có hơn 84% thanh niên trực tiếp sản xuất với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả. Nhiều thanh niên đạt doanh thu hàng năm trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động. Trong số 85 thanh niên được trao giải lần này, vinh dự cho tuổi trẻ Thái Bình có 3 người được vinh danh, đó là:
Nguyễn Xuân Tiến, sinh ngày 15/7/1983, là Ủy viên Ủy ban Hội LHTN xã Vũ Ðoài - Ủy viên Ủy ban Hội LHTN huyện Vũ Thư, Giám đốc Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Việt Tiến. Với số vốn tự có cộng với số tiền vay từ nguồn vốn 120, anh đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất đũa tre, khăn sạch, tăm tre, nước tinh khiết đóng bình. Ðến tháng 6/2013, anh tiếp tục phát triển dịch vụ bán và cung cấp bếp gas, bình gas trên thị trường. Tổng thu nhập hàng năm từ 2,5 - 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 5 - 6 lao động thời vụ. Ngoài ra, anh còn xây dựng dự án mở công ty sản xuất gia công hàng may mặc tại địa phương. Dự kiến quý IV năm 2016, công ty sẽ đi vào hoạt động với diện tích hơn 4.000m2 mặt bằng nhà xưởng, thu hút từ 350 - 400 lao động.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển kinh doanh, anh còn thường xuyên tham gia các hoạt động an sinh xã hội: tặng quà cho các cháu thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn vào dịp Tết Trung thu hoặc khai giảng năm học mới, bình quân mỗi năm từ 25 - 30 triệu đồng.
Nguyễn Duy Bình, sinh ngày 23/8/1983, Ủy viên Ban Chấp hành Huyện đoàn Vũ Thư, Bí thư Ðoàn xã Hồng Lý. Anh vừa là bí thư đoàn năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo vừa là gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Ngay sau khi xã có chủ trương chuyển đổi vùng đất trũng sang mô hình VAC, anh đã bàn bạc với gia đình và quyết định nhận đấu thầu trên 2ha. Với vốn đầu tư trên 500 triệu đồng, anh đã xây dựng 3 dãy chuồng rộng 400m2, đào 1 ao thả cá rộng 10.000m2, diện tích còn lại trồng cây lấy gỗ như: cây xoan, cây dược liệu, cây hoa hòe... Hơn một mẫu đất màu, anh trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ. Trong thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, anh đã tìm hiểu thêm và học hỏi các lớp tập huấn, các buổi hội thảo hướng dẫn cách chăn nuôi, thăm các mô hình chăn nuôi. Ðến nay, trang trại đi vào hoạt động thường xuyên nuôi 1.000 con gà chọi thả vườn, 200 cặp chim bồ câu, 100 con lợn nái, 200 lợn thịt, cá các loại. Hàng năm, trang trại cung cấp ra thị trường trên 1.000 con gà chọi thịt, 500 cặp chim bồ câu, 2 - 3 tấn cá, hàng chục tấn lợn thịt. Thu nhập một năm 200 - 300 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái chuyên cung cấp giống, mở thêm đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm cho bà con và phát triển thêm mô hình lấy giống trứng tằm của Công ty Giống Thái Bình cung cấp cho bà con nuôi và thu mua lại kén, thuê nhân công đến quay tơ xuất cho làng nghề dệt lụa Nam Cao, huyện Kiến Xương. Sản xuất 2 - 3 tấn kén/năm và gần 1 tấn tơ tằm xuất khẩu. Tạo việc làm thường xuyên cho 4 nhân công với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.
Ðỗ Văn Dũng, sinh năm 1984, Bí thư Đoàn xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật, sau 10 năm công tác tại địa phương anh đã hoạch định cho mình nhiều phương án để phát triển kinh tế. Năm 2013, anh quyết định xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại trên khu đất chuyển đổi của gia đình với diện tích 2.978m2. Ðể chủ động về con giống, anh đã nhập lợn nái về để nuôi. Ðến nay trang trại đã có 100 con lợn nái, 300 lợn thịt... Doanh thu hàng năm đạt trên 3 tỷ đồng. Tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 2 lao động thời vụ. Anh dự định sẽ xây thêm một trại công suất 100 lợn nái để cung cấp con giống bảo đảm chất lượng, giúp nhân rộng mô hình kinh tế trang trại tại địa phương.
Báo Thái Bình